Giáo dục đại học tại Việt Nam Giáo_dục_đại_học

Một tòa nhà của Viện Đại học Huế (nay là Đại học Huế), ở số 3 đường Lê Lợi, Huế.

Các chính thể độc lập ở Việt Nam từ thế kỷ 20 nói chung đều nhấn mạnh đến công tác giáo dục và quyền được giáo dục của người dân, mặc dù triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, và cách tổ chức thực hiện có khác nhau. Điều này thể hiện trong các tuyên bố của chính phủ Trần Trọng Kim thời Đế quốc Việt Nam,[6] và trong các bản hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 và 1959), Việt Nam Cộng hòa (1956 và 1967), và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1980 và 1992). Riêng Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa còn nói rõ "nền giáo dục đại học được tự trị."[7]

Năm 1975, sau chiến tranh, tất cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục từng hoạt động ở miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải thể, các cơ sở giáo dục đại học công lập bị giải thể hoặc bị chia ra hay sắp xếp lại theo mô hình phân tán ngành học của Liên Xô; quyền tự trị đại học bị bãi bỏ.[8] Giáo dục Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm cả giáo dục đại học, bị chính trị hóa,[9][10] và hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 36 Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1992) quy định "nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng."[11]

Giáo dục đại học Việt Nam ở miền Bắc trước 1975 và ở cả nước sau 1975 tuân theo mô hình bao cấp giống như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác. Hàng năm, nhà nước phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào tính toán nhu cầu của các cơ quan và các địa phương. Căn cứ vào chỉ tiêu đó, ngân sách được phân bổ cho các bộ chủ quản, rồi các bộ rót tiền xuống cho các cơ sở giáo dục do mình quản lý. Sinh viên ra trường được nhà nước phân công công việc. Tình hình thay đổi kể từ năm 1987, khi những lĩnh vực trước đây thuộc khu vực công bắt đầu do "các thành phần kinh tế" khác đảm trách; biên chế không còn nhu cầu và sinh viên ra trường không có việc làm vì không còn được phân công về các cơ quan nhà nước. Điều này đã dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học có nguy cơ tan rã, do "sinh viên không muốn học, thầy cô không muốn dạy".[9]

Mùa hè năm 1987, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp triệu tập các hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy các trường đại học về dự một hội nghị ở Nha Trang. Hội nghị đã thảo luận kế hoạch cải cách bao gồm bốn tiền đề đào tạo: Đào tạo không chỉ cho các cơ quan nhà nước mà còn cho cả các thành phần kinh tế; đào tạo theo dự báo về yêu cầu nhân lực trong tương lai; đào tạo phục vụ nhu cầu học tập của người dân, không kèm trách nhiệm phân công, sinh viên tự tìm việc làm; đào tạo đa dạng, có cả những loại hình đào tạo phi chính quy, không chỉ bằng ngân sách nhà nước mà còn thu học phí. Cũng trong thời kỳ này, chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt đầu sửa đổi chính sách phân loại "13 hạng thanh niên" trong tuyển sinh.[9]

Giáo dục đại học Việt Nam trải qua chuyển biến lớn vào đầu thập niên 1990 với sự ra đời của loại hình cơ sở giáo dục đại học được gọi là "đại học",[12] gấn giống mô hình viện đại học hay university; mỗi "đại học" được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đơn ngành đơn lĩnh vực. Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Quốc hội lần đầu tiên thông qua Luật Giáo dục Đại học, đưa ra "quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học."[13]

Các thống kê

Tỉ lệ người Việt Nam học đại học

Tỷ lệ vào đại học của người Việt đang ở dưới mức trung bình toàn cầu, tức là mới 30% thanh niên được thụ hưởng nền giáo dục bậc cao.[14]

Thống kê nhóm ngành có thu nhập cao tại Việt Nam

Theo thống kê, top nhóm ngành được trả lương cao nhất theo cấp bậc dành cho sinh viên mới ra trường tại Việt Nam là Bất động sản, Công nghệ, Thư ký/trợ lý, và Thực phẩm.[15]

Theo thống kê, top nhóm chuyên ngành được trả lương cao nhất ở cấp bậc quản lý cấp cao bao gồm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam là Luật, Kiến trúc, Kho bãi, Thực phẩm và Tài chính.[15]

Thống kê số lượng du học sinh tại Việt Nam

Theo thống kê tổng hợp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) cũng như Đại sứ quán của các nước, tổng số học viên ngoại quốc lựa chọn du học tại Việt Nam ít nhất là 17.000 người, trải dài từ bậc cao đẳng đến cao học và tiến sĩ, chủ yếu đến từ LàoCampuchia.[16][17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_đại_học http://www.stlhe.ca/awards/3m-national-teaching-fe... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/265464/h... http://books.google.com/books/about/The_Community_... http://books.google.com/books?id=WSKIQgAACAAJ&dq=E... http://books.google.com/books?id=wxidAAAAMAAJ&q=Le... http://ssrn.com/abstract=1941070 http://www.thuvienphatgiao.com/buddhistbook/detail... http://www.topuniversities.com/university-rankings... http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/09-k... http://sunsite.berkeley.edu/uchistory/archives_exh...